Tổng biên chế sự nghiệp y tế được UBND tỉnh phân bổ năm 2010 là 3.795 biên chế, hiện có là 3.944 người (3.320 biên chế và 624 hợp đồng); Năm 2011 được giao 3.903 biên chế, hiện có 4.235 người (3.118 biên chế và 930 hợp đồng); Năm 2012 được giao 4.128 biên chế (tăng 225 biên chế so với năm 2011). Nhưng theo thống kê, năm 2010 biên chế sự nghiệp y tế thừa 250 người và thiếu 101 người. Những đơn vị thừa nhiều biên chế và hợp đồng là Bệnh viện Cà Mau (94 người), Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước (40 người), Bệnh viên đa khoa khu vực Đầm Dơi (35 người), Bệnh viên đa khoa khu vực U Minh (21 người)…Năm 2011, biên chế sự nghiệp y tế thừa 145 người (giảm so với năm 2010). Số thừa này chủ yếu là hợp đồng. Số lượng biên chế giảm so với năm 2010, là do năm 2011 ngành y tế không thực hiện việc xét tuyển viên chức và do nghỉ hưu, nghỉ chính sách, thôi việc và chuyển công tác khác. Ở Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng hết, nhưng không tổ chức xét tuyển được là do kế hoạch xét tuyển chưa được duyệt. Đơn vị tuy thiếu biên chế nhưng không thể hợp đồng thêm lao động vì nguồn kinh phí phân bổ và phần viện phí trích lại không đủ chi cho hoạt động. Bệnh viện Sản – Nhi từ năm 2010 đến nay chưa sử dụng hết số biên chế được giao, nhưng lại sử dụng cán bộ hợp đồng với số lượng khá lớn là do hàng năm phải đưa đi đào tạo để nâng cao trình độ (chủ yếu là đào tạo bác sỹ, dược sỹ, cử nhân và sau đại học) nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, dẫn đến thiếu người làm, phải hợp đồng thêm mới đủ đảm bảo cho yêu cầu ngày càng tăng của công tác chăm sóc và điều trị.
Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, năm 2010 ngành giáo dục được phân bổ 15.246 biên chế, hiện có 15.122 người, thừa 1.006 người, thiếu 1.217 người. Năm 2011 được phân bổ 15.512 biên chế, hiện có 17.791 người, thừa 596 người, thiếu 1.703 người. Đội ngũ viên chức sự nghiệp giáo dục nhìn chung chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên là khá phổ biến, nhất là ở bậc mẫm non, tiểu học và THCS. Do cơ cấu môn học, một số môn có sự thay đổi số tiết dạy, số lượng học sinh…dẫn đến thừa, thiếu giáo viên. Đặc biệt, trong những năm gần đây thiếu nhiều giáo viên môn Tiếng Anh và các môn năng khiếu như: Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Kỹ thuật công nghệ, Nhân viên thư viện, Y tế trường học... Mặt khác, do số lượng học sinh có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) theo từng năm dẫn đến nhu cầu biên chế của các đơn vị có khi tăng hoặc giảm tạo nên tình trạng thừa, thiếu biên chế cục bộ ở các trường. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 2 năm gần đây số lượng học sinh trung học cơ sở giảm mỗi năm khoảng 4.000 em và trung học phổ thông giảm mỗi năm gần 1.500 em. Thành phố Cà Mau hiện thừa 168 giáo viên, thiếu 126 nhân viên; huyện Cái Nước, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và một số huyện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt là huyện Ngọc Hiển lại thiếu giáo viên trầm trọng. Năm 2010, biên chế hiện 548 người; thiếu 91 giáo viên và 68 nhân viên; dôi dư 20 người. Năm 2011 thiếu 52 giáo viên và 68 nhân viên. Huyện Đầm Dơi thiếu tổng cộng là 236 người (mầm non 78; tiểu học 134); riêng ở bậc THCS huyện đang thiếu 11 và thừa 36 người.
Để giải quyết tình trạng này, các địa phương đều phải hợp đồng thêm lao động (ngành giáo dục Thành phố Cà Mau hợp đồng thêm 401 lao động; huyện Cái Nước: 54; Trần Văn Thời: 84; U Minh: 149…). Một số địa phương đã có những giải pháp tháo gỡ khá linh hoạt như: huyện Ngọc Hiển phối hợp với trường Cao đẳng sư phạm Cà Mau đào tạo giáo viên là người địa phương; đưa số giáo viên dôi dư đi bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công phụ trách những công việc hợp lý khác... Thành phố Cà Mau có kế hoạch xây dựng thêm nhiều phòng học để giảm tải số học sinh/lớp (theo kế hoạch xây dựng trường lớp đạt chuẩn quốc gia) vừa để giải quyết số giáo viên thừa, vừa nâng cao chất lượng dạy học; bố trí sắp xếp lại giáo viên phù hợp với yêu cầu chuyên môn của ngành; không bổ nhiệm mới cán bộ quản lý ở các trường; điều động số giáo viên Tiếng Anh dôi dư ở bậc trung học cơ sở xuống dạy Tiếng Anh ở bậc tiểu học; phân công số giáo viên thừa làm công tác phổ cập, tổng phụ trách đội, thư viện, thiết bị... Thực hiện đánh giá, xếp loại hàng năm, trên cơ sở đó sắp xếp, điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Tuyển dụng giáo viên mầm non bổ sung cho các nơi còn thiếu…Ngoài ra, ngành giáo dục Thành phố Cà Mau còn chọn cử trên 50 giáo viên thuộc diện dôi dư có năng khiếu thể thao đi tập huấn để bổ sung cho các trường Tiểu học còn thiếu giáo viên môn Thể dục và cử trên 20 giáo viên đi tập huấn Y tế học đường về làm nhân viên Y tế học đường ở các trường còn thiếu... Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tình thế, chưa mang tính cơ bản, lâu dài.
Có thể nói, về cơ chế quản lý, UBND tỉnh quyết định phân bổ biên chế giáo dục và phân cấp quản lý cho Sở Giáo dục – Đào tạo và UBND cấp huyện, là hợp lý. Nhưng để bảo đảm phân bổ hợp lý, phải trên cơ sở kế hoạch biên chế hàng năm. Các đơn vị sự nghiệp phải chủ động về nhu cầu biên chế của mình ở từng thời điểm, từ đó xác định rõ nhu cầu trong tuyển dụng, sử dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của mình. Chú ý đến tính đặc thù của từng lĩnh vực, ngành và địa phương khi quyết định chính sách. Mặt khác, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt như nêu trên một cách bài bản, có hệ thống... Làm được điều đó là một trong những cách thức để từng bước chấm dứt tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ viên chức như hiện nay.
Nguyễn Sơn Ca